Thôi ta từ tạ nhau rồi
Tiếng lòng gõ lặng một hồi lặng im
Bao nhiêu là lá là hoa
Bấy nhiêu là nhớ riêng cho một người
Ở quê tôi, và có lẽ là ở xứ tôi, Chim là loài vật được nhắc đến rất nhiều khi nói đến người đi, người đến, sự may mắn, sự xui xẻo...
Ví dụ như chim bồ câu: Nó là biểu tượng của hoà bình (nhưng xe bồ câu thì là biểu tượng khác nhiều), chim khách báo khách đến nhà, chim én báo mùa xuân sang, chim quạ báo điềm xui xẻo...
Ấn tượng nhất là chim Cú, báo tang gia. Tôi nhớ mẹ kể khi bà mất, chim cú kêu liên tục mấy ngày, có lẽ nó nhìn thấy gì đó mà loài người chia biết đến. Cũng như trước ngày ba tôi mất mấy ngày, nó cũng kêu liên tục, có lẽ là trùng hợp vì người chết do bệnh và già, khi thời tiết thay đổi đột ngột thì rất khó qua khỏi, đó cũng là thời điểm loài chim này dễ kiếm ăn hoặc thời điểm nó động tình...(Suy đoán cá nhân thôi, chả có bằng chứng khoa học nào).
CHIM VÀ NGƯỜI ĐI
Bỗng nhiên hôm nay viết về chim là do bài viết trước nhắc đến Cô tôi. Nhà Cô tôi cách nhà tôi tầm 50m đường rào và khá xa khi đi cửa chính. Ngày cô tôi mất, có con chim bay vào nhà tôi, tôi và ba tôi lặng lẽ bắt đem thả và vì sợ mọi người bảo rằng mê tín nên tôi không nói cho ai cho đến gần đây mới nhắc lại.
Con chim bay vào nhà ngày cô tôi mất |
Con chim bay vào nhà đã được thả về tự nhiên |
Con chim bay vào nhà ngày cô tôi mất |
Tuy bài trừ mê tín nhưng tôi vẫn tin là cô tôi về nhà từ đường thăm nhà trước khi ra đi cho một cuộc sống mới.
link bài
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10152339326543072&set=a.10150252250038072
https://www.facebook.com/hothiethoa/posts/10152339423598072
CHIM VÀ NGƯỜI ĐẾN 1
Chuyện là hôm 10/3, lại một em chim lại vào nhà, lần này là nhà chị tôi, và người bắt vẫn là tôi.
Một anh Bìm Bịp trưởng thành, to, và dài (ý tôi nói là lông chim).
Vẫn như thường lệ, lễ là nhà tôi hội họp ăn uống, có khác là thêm người đến, lần này là một ông anh rất thân vẫn đỡ đầu cho tôi từ hồi tôi còn đói kém mất mùa hồi học đại học. Cũng mấy năm rồi và thật vui mừng cho dịp gặp mặt.
Tuổi thơ tôi có rất nhiều điều mà nay đã xoá dần theo năm tháng. Có nhiều lý do để nó biến mất, con người sáng tạo ra rất nhiều thứ từ khi có điện, và càng biến mất nhanh hơn từ khi có máy vi tính. Một trong những thứ mà trong xã hội hiện đại tôi không còn tìm thấy là cái cần " dọt" nước, công cụ dùng lấy nước sinh hoạt từ giếng cho gia đình tôi một quãng thời gian dài cho tới khi bị bơm và nước máy thay thế.
Thật ra chính tả tôi không biết chính xác là "cần Vọt", "Cần Giọt" hay "cần dọt", tôi chả muốn tra google về từ đó, vì dù nó thế nào thì quê tôi vẫn phát âm là cần dọt. Với tôi, chữ viết chính tả chỉ là biểu hiện của ngôn ngữ nói, và sai chính tả chẳng qua là chữ viết chưa đủ tầm, chưa đủ khả năng thể hiện hết ngôn ngữ nói mà thôi.
Viết đến đây tự nhiên tôi nghĩ đến một giai đoạn nào đó, loài người sẽ mở rộng thêm bảng mã Unicode hiện tại thành EveCode. Ý của tôi Eve trong chữ every things, có nghĩa là mọi thứ (vật thể và phi vật thể) à không phải Uni có nghĩa là Vũ trụ, vạn vật như hiện tại. Khi đó ngôn ngữ số có khả năng biểu đạt được mọi loại ngôn ngữ loài chim thú cá....
Quay lại chủ đề cái cần "dọt" (mà đúng chính tả có thể là cần vọt, tôi không chắc và một lần nữa vẫn dùng từ cần dọt nhé), nó là một công cụ lấy nước từ giếng với 5 phụ kiện chính :
- Một cây cột gỗ trong cỡ DN200 (219mm) cao 5m, đóng vai trò chịu đòn bẩy,.
- Một cây tre cái dài tầm 6m, loại tre cái to cỡ ống DN100 (110mm),
-Cột cây tre tầm vông tầm 5m
- Một khối sắt tầm 10kg
- 1 cái gàu có thể chứa tầm 8 lít nước
Cây tre cái một đầu buộc vào cây tre tầm vông, một đầu buộc vào khối thép, và gác lên cây cột sao tỷ lệ tầm 4/2.
Cây tre tầm vông đầu kia buộc vào cái gàu.
Trông cái cần vọt nước nó như thế này:
Nguyên lý hoạt động là ta cầm cái thanh tre tầm vông buộc gàu, kéo xuống giếng, khối sắt được nâng lên theo nguyên lý đòn bẩy nên kéo nhẹ nhàng lắm, nâng khối sắt sau thanh tre cái lên, khi nước đầy gàu thì kéo lên, cũng nhẹ nhàng như khi kéo xuống, Nhẹ nhàng như cách ta bập bênh vậy, đứa trẻ tầm 6-7 tuối như tôi hồi đó có thể nâng 1 khối nước bằng trọng lượng của mình.
Đấy, cây cần dọt nước nhà tôi nó như thế. Nhưng liên quan đếch gì con ong Bầu.
Chuyện là thế này- ong Bầu - nghe cái tên là biết ong Cái rồi, (thật ra tôi chớ hề biết giới tính của nó, và tương tự, tôi chả muốn tra google, lổ hổng kiến thức đủ lớn rồi, bộ nhớ ngập rồi, nhét cái này vô thì phải xoá cái kia ra, nên những kiến thức "cho vui" thì biết vậy thôi, đừng cố nhồi vào đầu làm gì), nó là một loài ong khá đặc biệt, bởi vì tới nay tôi chỉ biết đến nó là một loài ong duy nhất đóng vai Single Mom (bầu bì gì mà tự làm hết, từ kiếm mồi đến làm tổ đến ...đốt người ta), không đi thành đàn, đi về một mình thôi. Nhà của nó đóng ở một vị trí khá đặc biệt, đó là cây tre tầm vông khô, mà vị trí ưa thích nhất của ẻm là trên cây tre tầm vông mà nhà tôi làm "cần dọt nước".
Lỡ may khi kéo nước mà cầm trúng cái lỗ ra vào tổ của ẻm thì ẻm chích cho 1 phát. Nhức ....óc luôn chứ không phải tới nách thôi đâu.
Chị ong Bầu hút nhuỵ hoa mai nhà tôi |