27 thg 10, 2009

Lịch sử Khánh Hoà

Các cứ liệu khảo cổ học đã khẳng định ngay từ thời tiền sử, con người
đã sinh sống ở đây. ở Hòn Tre trong vịnh Nha Trang từ đầu thế kỷ này,
các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều công cụ bằng đá của một nền
nông nghiệp dùng cuốc. Với việc phát hiện ra bộ đàn đá Khánh Sơn vào
tháng 2 năm 1979 trong địa bàn cư trú của tộc người
Raglai, cho thấy chủ nhân của bộ đàn đá này đã sinh sống ở đây khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên[35]. Sang thời đại đồ sắt, các di chỉ đã phát hiện của nền văn hóa Xóm Cồn (Ba Ngòi, Cam Ranh) cho phép khẳng định nền văn hóa thời đại đồ sắt ở Khánh Hòa có niên đại khoảng gần 4000 năm và phát triển sớm hơn văn hóa Sa Huỳnh.
Nằm trong địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh, Khánh Hòa có nhiều di
chỉ khảo cổ học về nền văn hóa này như: Diên Sơn (huyện Diên Khánh),
Bình Tân, Hòn Tre (Thành phố Nha Trang), Ninh Thân (huyện Ninh Hòa).

Thời kỳ Chăm Pa



Xem thêm: Kauthara






Tháp Po Nagar trung tâm tôn giáo của Kauthara



Khánh Hòa ngày nay là phần đất của nước Tây Đồ Di thuở trước, sau bị
nước Chiêm Thành thôn tính và đổi làm châu Kaut Hara. Vào đầu Công Nguyên,
một bộ phận trong bộ tộc Cau, một trong hai bộ tộc lớn của người Chăm
Pa thời bấy giờ, đã thành lập nên một tiểu quốc và được đặt tên là Tiểu
quốc Nam Chăm, hay còn gọi là Panrãn hay Panduranga. Tiểu quốc này gồm
hai xứ là Panduranga (khu vực ngày nay là Phan Rang, Phan Thiết) và Kauthara (khu vực Khánh Hòa ngày nay). Đối địch với Tiểu quốc Nam Chăm là Tiểu quốc Bắc Chăm ở khu vực thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay.


Sau đó, trải qua nhiều thế kỷ nội chiến liên miên, vương quốc Chăm Pa được thành lập trên cơ sở sự thống nhất của hai xứ Nam Chăm và Bắc Chăm. Đến thế kỷ thứ 8, dưới sự ra đời của vương triều Panduranga (Hoàn Vương Quốc),
vùng Kauthara phát triển đến mức cực thịnh chỉ sau kinh đô với những
khu đền tháp to lớn và linh thiêng mà tiêu biểu là ngôi đền thánh
Ponagar thờ vị nữ thần mẹ xứ sở Yang Pô Y Na Gar.


Khác với nhiều địa khu khác Kauthara tương đối ít bị ảnh hương bởi
các cuộc chiến tranh nhờ cách xa cả Đại Việt và Đế quốc Khmer. Sau khi
kinh đô Vijaya thất thủ trong cuộc Chiến tranh Việt-Chiêm 1471,
vua Lê Thánh Tông không tiếp tục tiến xuống phía nam để tấn công
Kauthara mà dựng bia phân định biên giới mới của hai nước tại Núi Đá Bia. Lãnh thổ Chăm Pa chỉ còn lại khu vực Kauthara-Panduranga [36].


[sửa] Thời các Chúa Nguyễn (1653-1775)


Năm 1653, lấy cớ vua Chiêm Thành là Bà Tấm (có tài liệu ghi là Bà Thấm[37]) quấy nhiễu dân Việt ở Phú Yên, Chúa Nguyễn Phúc Tần bèn sai quan cai cơ Hùng Lộc đem 3000 quân sang đánh[38].
Thất bại nặng nề, vua Chiêm Thành sai con mang thư hàng và xin dâng đất
cho Chúa từ vùng Phan Rang trở ra đến Phú Yên. Chúa chấp thuận và đặt
dinh Thái Khang gồm hai phủ là phủ Thái Khang gồm các huyện Tân Định, Quảng Phước ở phía bắc (nay là các huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh) và phủ Diên Ninh
gồm các huyện Phước Diên, Hoa Châu, Vĩnh Xương ở phía nam (nay là các
huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha
Trang và một phần phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận), giao cho Hùng Lộc làm
thái thú[39]. Từ đó, vùng đất này đã trở thành một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam cho đến ngày nay.


Đến năm 1690, phủ Thái Khang được đổi tên thành Bình Khang. Năm 1742, phủ Diên Ninh đổi thành phủ Diên Khánh[39].


[sửa] Thời Tây Sơn






Thành cổ Diên Khánh, do Nguyễn Ánh xây dựng trong thời kỳ đánh Tây Sơn.



Vào năm 1771, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dấy binh đánh Chúa Nguyễn. Chỉ ba năm sau, Chúa Nguyễn phải bỏ Phú Xuân chạy vào Gia Định. Quân Tây Sơn đã kiểm soát vùng đất kéo dài từ Quy Nhơn đến Bình Thuận. Sau đó, tướng nhà Nguyễn là Tống Phúc Hạp
kéo quân ra đánh lấy lại được Dinh Bình Thuận và Phủ Diên Khánh nhưng
rồi lại bị Nguyễn Huệ đem quân đánh tan lấy lại được hai vùng trên. Từ
đó, trong gần 20 năm, nhân dân Bình Khang, Diên Khánh sống trong cảnh
hòa bình và no ấm[39].


Đến tháng 7 năm 1793, Định Vương Nguyễn Phúc Ánh
thân chinh thống lĩnh đại binh thủy, bộ từ Gia Định kéo ra Nha Trang.
Từ Nha Trang tấn công lên Diên Khánh. Quân Tây Sơn không cầm cự nổi
phải bỏ Diên Khánh và Bình Khang. Nguyễn Ánh sai người xây thành Diên Khánh, lập xưởng đóng thuyền. Sau đó, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu hai lần đem quân vào đánh chiếm vào các năm 1794, 1795 nhưng đều không thành[39].


Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Năm 1803,
Dinh Bình Khang được đổi tên thành Dinh Bình Hòa, phủ Bình Khang cũng
được đổi tên thành phủ Bình Hòa nhưng sở lỵ đã được chuyển từ đây sang
phủ Diên Khánh. Năm 1808, Dinh được đổi thành Trấn. Đến năm 1831 (năm Minh Mạng thứ 12), trấn Bình Hòa được đổi tên thành tỉnh Khánh Hòa, còn phủ Bình Hòa trở thành phủ Ninh Hòa[40].
Vào thời điểm đó, tỉnh Khánh Hòa gồm 2 phủ, 4 huyện là: Phủ Diên Khánh
gồm 2 huyện: Phước Ðiền, Vĩnh Xương; Phủ Ninh Hòa gồm 2 huyện: Quảng
Phước và Tân Ðịnh, tỉnh lỵ là Phủ Diên Khánh[41].


[sửa] Thời nhà Nguyễn và Pháp thuộc






Nhà Yersin thời Pháp thuộc (nay là nhà khách Bộ Công An)






Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn kí kết hiệp ước Patenotre với Pháp, tạo cơ sở cho việc thiết lập chính quyền đô hộ của Pháp ở Việt Nam và sự suy úy của nhà Nguyễn.


Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân và sĩ phu cả nước chống thực dân Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, tại Khánh Hòa có các ông Trịnh Phong, Trần Đường và ba anh em ông Nguyễn Khanh tập hợp nghĩa quân kháng Pháp. Tuy nhiên, nghĩa quân phong trào Cần Vương chỉ giữ Khánh Hòa được hai năm thì bị quân thực dân Pháp đánh bại[39].


Là một tỉnh ở xứ Trung Kỳ, Khánh Hòa nằm dưới hai ách cai trị là Chính phủ bảo hộ Pháp và Chính phủ Nam triều. Quan lại của Nam triều gồm có chức Tuần Vũ, Án Sát coi việc hành chính, Lãnh binh
coi việc canh gác và giữ gìn an ninh trong tỉnh, đóng tại Diên Khánh.
Cơ quan lãnh đạo Pháp gồm có Chánh Sứ, Phó Sứ và Giám binh, đóng tại Nha Trang. Nha Trang dần phát triển thành thị trấn[39].


Ngày 9 tháng 3 năm 1945,
Nhật đảo chính Pháp, giao tỉnh Khánh Hòa cho các quan Nam triều quản
lý, cơ quan hành chính của tỉnh dời xuống Nha Trang. Từ đó, Nha Trang
chính thức trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa[39].


[sửa] Khánh Hòa sau 1945 đến nay






Bộ chỉ huy tiền phương quân khu II thời Việt Nam Cộng Hòa (nay là nhà khách T-78)



Ngày 19 tháng 8 năm 1945,
Việt Minh đứng dậy giành chính quyền, nhưng chỉ nắm chính quyền được
hai tháng thì Pháp đổ bộ lên Nha Trang và đánh lấy lại Khánh Hòa.






địa giới tỉnh Khánh Hòa và Thị xã Cam Ranh thời Việt Nam Cộng Hòa năm 1967



Năm 1955, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa,
Tỉnh Khánh Hòa cũng được tổ chức lại trên mọi phương diện. Các phủ
huyện đổi thành quận. Các làng đổi thành xã. Tháng 5 năm 1959, hai tổng
Krang Ying và Krang Hinh thuộc tỉnh Đăk Lăk
được sát nhập vào tỉnh Khánh Hòa và lập thành quận Khánh Dương. Tháng 4
năm 1960, 12 thôn Thượng thuộc quận Cam Lâm được trích ra khỏi Khánh
Hòa để nhập vào quận Du Long tỉnh Ninh Thuận. Tháng 10 năm 1965, một
phần đất quận Cam Lâm ở phía Nam bị cắt để thiết lập Thị Xã Cam Ranh trực thuộc trung ương (Khu đặc biệt Cam Ranh).


Ngày 1,2,3 tháng 4 năm 1975, Quân giải phóng lần lượt tiếp quản Ninh Hòa, Nha TrangCam Ranh. Việc chuyển giao chính quyền diễn ra trong hòa bình vì hầu hết quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã rút hết về phòng tuyến Phan Rang. Sau khi thống nhất đất nước, chính phủ mới hợp nhất hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Thị xã Cam Ranh vào ngày 29 tháng 10 năm 1975 thành tỉnh Phú Khánh. Vào năm 1977, thị xã Nha Trang được nâng cấp thành Thành phố Nha Trang, thị xã Cam Ranh nhập lại vào huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa trở thành huyện Cam Ranh.


Quốc hội quyết định sát nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh vào năm 1982. Vào ngày 30 tháng 6 năm 1989, Quốc hội lại chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên
và Khánh Hòa. Ngày 7 tháng 7 năm 2000, huyện Cam Ranh được nâng lên
thành thị xã Cam Ranh. Tháng 4 năm 2007 theo nghị định số 65/2007/NĐ-CP
của Chính phủ cắt các xã: Cam Tân, Cam Hòa, Sơn Tân, Cam Hải Tây, Cam
Đức, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Thành Bắc, Cam An Bắc, Cam An Nam,
Cam Phước Tây, Cam Hải Đông của thị xã Cam Ranh và các xã Suối Tân,
Suối Cát của huyện Diên Khánh thành lập huyện Cam Lâm đồng thời chia
huyện Trường Sa thành ba đơn vị hành chính trực thuộc gồm: thị trấn
Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn


Ngày 22 tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định công nhận Nha Trangđô thị loại I
trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Sau khi Nha Trang được công nhận là đô thị
loại 1, Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, Khánh Hòa sẽ trở
thành thành phố trực thuộc Trung ương[42]

Nguồn: Wikipedia

Đang cần thu thập thêm tư liệu Khánh Hoà thời Cần Vương. Ai biết xin đóng góp dùm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét